Chân dung người bố trên truyền hình: Lặp lại khuôn mẫu về công việc chăm sóc? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 07, 2024

Chân dung người bố trên truyền hình: Lặp lại khuôn mẫu về công việc chăm sóc?

Vì sao trên truyền thông, chúng ta ít thấy hình ảnh người bố làm các công việc chăm sóc? Và điều đó có đang thay đổi?
Chân dung người bố trên truyền hình: Lặp lại khuôn mẫu về công việc chăm sóc?

Nguồn: Phim You Are So Precious To Me

Người mẹ ở trong bếp nấu nướng đợi chồng đi làm về, chăm sóc con cái và quán xuyến việc nhà. Trong khi đó, người bố mệt mỏi trở về sau một ngày dài làm việc và chỉ muốn nghỉ ngơi. Đó là một gia đình kiểu mẫu có lẽ dễ bắt gặp nhất trong rất nhiều chương trình ta vẫn xem.

Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao điều ngược lại hiếm khi xảy ra? Đã bao nhiêu lần ta thấy người bố mặc tạp dề thay vì bộ vest? Đã bao nhiêu lần ta thấy người bố bế con trên đùi thay vì chiếc laptop? Và nếu người bố có làm việc nhà, thì tại sao đó luôn là sửa chữa đồ đạc hay một việc nào khác, không phải những việc người mẹ thường làm?

Có thể thấy trong những năm gần đây, số lượng nam giới tham gia vào công việc nội trợ và chăm sóc ngày một gia tăng. Truyền thông cũng đã có những thay đổi tích cực trong việc miêu tả người bố. Dù vậy, bên cạnh những hình ảnh mới và hiện đại là rất nhiều những khuôn mẫu cũ vẫn đang áp đảo.

Sự hiện diện trên truyền thông của nam giới với công việc chăm sóc

Trong phạm vi bài viết này, các công việc chăm sóc có thể bao gồm chăm sóc về tinh thần (lắng nghe, an ủi), việc nhà “truyền thống dành cho nữ” (nấu ăn, dọn dẹp, giặt là), việc nhà “truyền thống dành cho nam” (sửa chữa đồ đạc, bảo trì nhà cửa), dạy dỗ con cái, chăm sóc về mặt thể chất (cho con ăn, thay tã).

Hình ảnh nam giới đảm nhiệm các công việc chăm sóc (male caregivers) thay đổi theo những biến động lớn trong lịch sử. Theo giáo sư truyền thông Kathryn Pallister, hình mẫu “đàn ông là trụ cột gia đình” trở nên thống trị trong văn hóa đại chúng, đặc biệt sau Thế Chiến II khi sự tham gia của phụ nữ vào khu vực công làm gián đoạn các vai trò giới truyền thống.

Công việc của người mẹ và người bố tách biệt nhưng cũng bổ sung cho nhau, với người bố thuộc khu vực công (ngoài đường, tại công sở) và người mẹ thuộc khu vực tư (trong nhà, căn bếp).

Tuy nhiên vào thập niên 60-70, phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và việc làm, tỷ lệ ly hôn gia tăng và các phong trào phụ nữ cũng phê phán những vai trò giới cứng nhắc. Những thay đổi này đã thách thức quan niệm truyền thống về việc làm cha mẹ: người bố và người mẹ đảm nhiệm hai nhiệm vụ tách biệt, và nội trợ là việc của phụ nữ.

Theo chuyên gia nghiên cứu phim Hannah Hamad, kết quả tất yếu của việc này là một nhận thức bao hàm hơn về việc làm bố nói riêng - hay còn gọi là “làm bố kiểu mới” - và thế nào là tính nam nói chung.

11jul2024da7299a1467b7317b94e63dff2011d1a901128895d8cd8b6b671216e1a039c221jpg
Trước thập niên 60, các công việc nội trợ dường như luôn “dính chặt” với hình ảnh phụ nữ. | Nguồn: Pinterest

Nhìn chung, sự hiện diện của nam và nữ trong công việc chăm sóc trên truyền thông đã có nhiều cải thiện so với các thập kỷ trước. Tuy phụ nữ vẫn “gắn liền” với việc nhà nhiều hơn nam giới, khoảng cách giữa hai giới đã được thu hẹp lại.

Điều đáng lưu ý là truyền thông vẫn thường xuyên rập khuôn họ vào những công việc khác nhau. Trong khi phụ nữ thường đảm nhận vai trò chăm con và quản lý các nhu cầu hàng ngày của gia đình, nam giới chủ yếu lo bảo trì nhà cửa, chăm sóc vườn tược, mua sắm - những công việc ít thường xuyên hơn, và bị nhìn nhận là xa rời tính nữ.

Theo khảo sát của Viện Geena Davis, 69% các công việc nhà gắn mác “nữ tính” được thực hiện bởi phụ nữ trên truyền thông; trong khi đó, 75% các công việc nhà gắn mác “nam tính” được thực hiện bởi nam giới. Sự phân cực này có xu hướng tăng lên giữa hai giai đoạn của nghiên cứu này: giai đoạn 2013-16 và giai đoạn 2017-20.

Không chỉ thế, truyền thông cũng miêu tả phụ nữ là những người biết cảm thông, yêu thương và thấu hiểu nhiều hơn nam giới. Họ biết lắng nghe và an ủi hơn, không ngại nói lời yêu, luôn cổ vũ con cái và bạn đời. Một lần nữa, những đặc tính này củng cố các “phẩm chất” được cho là phù hợp hơn với việc chăm sóc của phụ nữ khi so với nam giới.

Các khuôn mẫu về việc làm bố

Dù có những tiến bộ nhất định, sự khắc họa vai trò chăm sóc của nam giới trên truyền thông vẫn bị “lậm” với các khuôn mẫu lặp đi lặp lại.

Trong nghiên cứu “Loving Fathers or Deadbeat Dads: The Crisis of Fatherhood in Popular Culture”, tác giả Tabitha Freeman đã phân loại những kiểu mẫu “làm bố” trên truyền thông đại chúng thành 2 loại chính: những ông bố đáng thất vọng (failing-father types) và những ông bố thành công (successful-father types).

Với khuôn mẫu “thành công”, người cha được định nghĩa bởi những tiêu chuẩn về tài chính và hình thể bị lý tưởng hóa đến mức phi thực tế. Những ông bố nổi tiếng/siêu sao là một minh chứng điển hình: họ giàu có, và những việc chăm sóc họ làm không được ảnh hưởng tới hình ảnh “nam tính” của họ.

Một ví dụ khác là các ông bố có ngoại hình cơ bắp, lực lưỡng đóng vai trò bảo hộ cho vợ và con cái. Ngược lại, khuôn mẫu “đáng thất vọng” thì phổ biến và chia thành nhiều loại hơn:

  • Người cha vô tâm (deadbeat dad): Trẻ con, suy nghĩ ấu trĩ, né tránh trách nhiệm làm bố.
  • Người cha vắng mặt (absentee dad): Từ chối hẳn việc làm bố.
  • Người cha lạm dụng (abusive dad): Hung hăng, thích trừng phạt và đôi khi có sự lệch lạc về tính dục. Kiểu mẫu thể hiện sự nguy hiểm mà người bố không đàng hoàng có thể đem lại cho đứa trẻ.
  • Người cha học việc (apprentice dad): Vụng về, lúng túng khi chăm con. Kiểu mẫu hay dùng để nhấn mạnh sự khó khăn của nam giới khi “dấn thân” vào công việc nội trợ.

Quảng cáo gây tranh cãi của Zazoo khi thể hiện người cha kém cỏi. | Nguồn: YouTube

Các khuôn mẫu trên hầu như không thách thức những định kiến về vai trò giới, thậm chí còn tô đậm sự “thua kém” trong vai trò phụ huynh của nam giới. Đặc biệt, sự phổ biến vượt trội của các khuôn mẫu người cha “đáng thất vọng” khiến nam giới bị nghi ngờ (hoặc tự nghi ngờ) về khả năng làm một người bố tốt.

Tác hại của sự thiếu vắng hình ảnh người bố chăm sóc

Không chỉ phản ánh các định kiến vốn “thống trị” trên thực tế, các khuôn mẫu giới còn tái sản xuất và phổ biến các định kiến này cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo khảo sát American Time Use Survey năm 2020, một người đàn ông Mỹ xem TV trung bình 3.3 tiếng/ngày, dẫn đến thường xuyên tiếp xúc với các khuôn mẫu trên. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, các khuôn mẫu mô tả nam giới với ham muốn tình dục cao, thiếu tinh tế về cảm xúc cũng “bóp méo” niềm tin của nam giới về tính nam, khiến họ tin rằng mình nên làm theo.

Tương tự, những khuôn mẫu về việc làm bố và chăm sóc con cái cũng tác động đến hành vi của nam giới. Chúng cho họ những tấm gương và ví dụ phi thực tế, đồng thời củng cố những định kiến cố hữu về vai trò giới, từ đó khiến nam giới mất động lực tham gia vào các công việc chăm sóc và nội trợ.

Paul Sullivan, nhà sáng lập của The Company of Dads (một cộng đồng chia sẻ “bí kíp” làm cha) cho rằng: “Những quan niệm phổ biến trên truyền hình gợi ý rằng đàn ông thành công không thể tham gia vào việc chăm sóc hay nội trợ. Rằng nam giới phải làm trụ cột tài chính, còn con cái chỉ cần mẹ chúng chăm sóc mà thôi. Rằng đàn ông không sinh ra để làm việc nhà, mà để làm những công việc khác”.

Những khuôn mẫu này cũng ngày càng sai thực tế, khi nam giới đang có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các công việc chăm sóc. Theo nghiên cứu của MDG Advertising, 74% các ông bố millennial cho rằng, quảng cáo và truyền thông đang mô tả không đúng bức tranh các gia đình hiện đại. David Kuhl, giáo sư Đại học British Columbia (Canada) cho biết: “Nhiều khi tôi thấy bản thân được miêu tả khác hẳn với những công việc chăm sóc tôi làm hằng ngày, bất kể là chăm sóc con cái, bạn đời, cha mẹ, anh chị em hay cả bạn bè.”

11jul2024dragonpantln92aiuqyqunsplashjpg
Thực tế nam giới đang có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các công việc chăm sóc. | Nguồn: Unsplash

Mối liên hệ của các tác hại trên với những vấn đề khác trong đời sống cũng đáng được cân nhắc. Liệu nam giới có nên hưởng chế độ nghỉ thai sản tương đương với phụ nữ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải đánh giá sự tham gia của nam giới vào việc nội trợ nói riêng và chăm sóc nói chung một cách nghiêm túc.

Những thay đổi tích cực

Mặc dù vẫn còn những “lối mòn” về việc làm bố, chúng ta cũng nên ghi nhận các tiến bộ của truyền thông trong việc miêu tả nam giới như những người chăm sóc.

Trong một số show truyền hình nổi tiếng của Mỹ, hình ảnh người bố thực hiện các công việc chăm sóc không quá hiếm gặp. Chẳng hạn trong một tập của series 9-1-1, nam chính Eddie Diaz là người bố luôn dọn dẹp, nấu nướng và chăm sóc cậu con trai khuyết tật của mình. Đây là hình mẫu “người bố” đi ngược lại các khuôn mẫu truyền thống: biết quan tâm con cái, thành thạo trong việc chăm sóc và không bị gò ép vào “tính nam độc hại”.

Một chiến dịch nổi bật làm mới hình ảnh người bố trên truyền thông là sáng kiến #DadJokesRule. Những quảng cáo thuộc chiến dịch này tập trung vào phản ứng cười như được mùa của trẻ em trước những trò đùa “nhạt nhẽo” (dad jokes) của bố. Thay vì khiến các ông bố trông xa cách hay nghiêm khắc, hình ảnh người cha được mô tả đầy thiện cảm.

11jul2024mvnjpg
Tại Việt Nam, hình ảnh bé Pam cùng ông bố “hạt nhài” của mình đã viral khắp cõi mạng. | Nguồn: Mẹ Vắng Nhà Ba Là Siêu Nhân

Ngoài ra theo báo cáo “Fathers in Advertising: An Analysis of Stereotypes at Work” của tổ chức ORSE (Pháp) năm 2010, trước đây cũng đã có các quảng cáo “phản khuôn mẫu” được chia ra thành các loại khác nhau. Chẳng hạn trong một quảng cáo của Nivea năm 2008, một người bố với gương mặt thư giãn đang ôm một em bé sơ sinh, kèm theo dòng khẩu hiệu: “Sự dịu dàng thuần khiết mỗi ngày”.

Có thể thấy trong quảng cáo trên, hình ảnh người cha được gắn liền với sự dịu dàng, gắn bó, chăm sóc và yêu thương con trẻ - những thứ vốn được cho là đặc tính người mẹ. Bằng cách miêu tả nam giới như những người phụ huynh thấu hiểu, thường trực, yêu thương con cái và trực tiếp làm những công việc chăm sóc, những quảng cáo này góp phần thúc đẩy khao khát và hy vọng của nam giới trong việc làm cha.

Tạm kết

Kể từ khi truyền hình cáp và internet phổ biến, truyền thông đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, tác động mạnh đến nhận thức con người. Vì vậy, những gì được lặp lại trên đó sẽ trở thành quan niệm hiển nhiên, và các khuôn mẫu giới cũng không phải ngoại lệ.

Vậy nên hãy cẩn thận với những gì bạn xem được, bởi chúng ta ít khi nhận ra các khuôn mẫu giới trên truyền thông là điều đáng chú ý. Ta dễ coi nó là bình thường, và hiếm khi nhìn xoáy vào để thấy sự không-dĩ-nhiên của nó, khiến khuôn mẫu giới vận hành theo một vòng luẩn quẩn.

Động thái từ phía truyền thông cũng là điều cần thiết để khuyến khích nam giới tham gia các công việc chăm sóc nhiều hơn. Sự thay đổi dù nhỏ nhất trên truyền thông cũng có thể tạo ra những thay đổi lớn hơn trong xã hội.

Khi những hình ảnh về vai trò giới cân bằng hơn, những kỳ vọng phi thực tế và các quan niệm cũ cũng sẽ thay đổi. Đồng thời, các gia đình có thể chia sẻ trách nhiệm một cách bình đẳng và lành mạnh, bắt đầu khi nam giới tích cực tham gia các công việc nội trợ. Phụ nữ cũng sẽ được “giải phóng” khỏi các vai trò truyền thống, để lựa chọn theo đuổi sự nghiệp và thành công.