CEO Vân Hạnh và khát vọng định hình tiêu chuẩn "premium" cho show truyền hình Việt | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 10, 2024

CEO Vân Hạnh và khát vọng định hình tiêu chuẩn "premium" cho show truyền hình Việt

“Bọn chị nói với nhau: Hãy chiến vì màu cờ sắc áo. Không thể để cho nước bạn nói rằng một chương trình hay mà mang về Việt Nam lại làm thành như thế này.”
CEO Vân Hạnh và khát vọng định hình tiêu chuẩn "premium" cho show truyền hình Việt

Nguồn: Fusnguyen cho Vietcetera

Ngành công nghiệp giải trí đang ngày càng phát triển, đòi hỏi các chương trình truyền hình phải luôn đổi mới không ngừng. Bà Ngô Thị Vân Hạnh - CEO của Tập đoàn Yeah1 (YEG), đã và đang khẳng định vai trò của mình như một nhà chiến lược góp phần thay đổi cục diện tại Việt Nam.

Với hơn 24 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông và giải trí, bà gia nhập Yeah1 vào đầu năm 2023 và nhanh chóng đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc. Bà là người đứng sau sự thành công của các chương trình truyền hình giải trí được yêu thích hiện nay như Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ SóngAnh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.

Trong tập Have A Sip tuần này, CEO Vân Hạnh có dịp chia sẻ về quá trình sản xuất các chương trình, cũng như tầm nhìn biến những sản phẩm giải trí đến từ Việt Nam trở thành niềm tự hào, chinh phục khán giả cả trong nước lẫn quốc tế.

Sự cạnh tranh là động lực để phát triển tốt hơn

CEO Vân Hạnh tin rằng sự cạnh tranh không phải là yếu tố tiêu cực, mà ngược lại, còn giúp đội ngũ chương trình phải nỗ lực hết mình để mang những điều tinh túy nhất đến khán giả. Nếu chỉ có một mình trên thị trường, nhà sản xuất có thể trở nên chủ quan và giảm đi động lực sáng tạo.

Sự chuẩn bị kỹ càng cũng là yếu tố để nhà sản xuất vững tin vào chất lượng chương trình. Đơn cử như chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, bà đã có kế hoạch từ những ngày đầu và lựa chọn những nhân lực chủ chốt như giám đốc âm nhạc SlimV và đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư.

alt
Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư và Giám đốc âm nhạc SlimV trong buổi họp báo ra mắt chương trình | Nguồn: Facebook SlimV

Đội ngũ đã nghiên cứu và học hỏi từ chương trình gốc là Call Me By Fire để hiểu rõ về quy trình tổ chức từ cách quay, dàn dựng đến cấu trúc tiết mục. Bằng cách này, chương trình có thể định hình hướng đi ngay từ đầu mà không cần phải trong tình trạng "chạy đua" với bất cứ đội ngũ nào khác.

CEO Vân Hạnh và đội ngũ sản xuất luôn mang tinh thần chơi hết mình. Bà tin rằng, khi nghệ sĩ và nhân sự đều dốc toàn lực, khán giả sẽ cảm nhận được sự đam mê và nhiệt huyết qua mỗi sân khấu. Chính sự cam kết mang đến cho nghệ sĩ những sân khấu để đời đã giúp chương trình tạo ra sức hút đặc biệt, nơi khán giả chính là người thụ hưởng cuối cùng.

Khát vọng định hình tiêu chuẩn “premium” cho chương trình truyền hình

Khi thực hiện các chương trình của Yeah1, mục tiêu của bà và đội ngũ không dừng lại ở sự thành công về mặt doanh thu hay lượng người xem, mà còn cao hơn thế - tạo ra các chương trình “premium” (cao cấp). Trong thị trường giải trí hiện nay, việc phát triển chương trình truyền hình cần sự đầu tư vào nội dung chất lượng, đặc biệt là tạo ra sự khác biệt về hình ảnh và trải nghiệm cho khán giả.

alt
Bà mong muốn khán giả Việt Nam có thể yêu thích và tự hào với những sản phẩm truyền hình trong nước, thay vì phải tìm kiếm những yếu tố trên từ các chương trình quốc tế. | Nguồn: Fusnguyen cho Vietcetera

Bà chia sẻ rằng việc tạo ra một chương trình “premium” cần một tư duy đổi mới và sự quyết tâm cao độ từ tất cả các thành viên trong đội ngũ. Tiếp nối các chương trình hiện tại bằng những dự án ấp ủ trong tương lai, bà đặt tầm nhìn tạo ra bước tiến lớn trong việc nâng cao tiêu chuẩn sản xuất truyền hình tại Việt Nam.

Khả năng sáng tạo được bộc lộ trong điều kiện hạn chế

Để đạt được mục tiêu lớn, hành trình mà đội ngũ sản xuất đi qua cũng đầy "sóng gió" và "chông gai". So với ngành sản xuất truyền hình ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc với nhiều năm xây dựng và phát triển, nguồn lực tại Việt Nam có phần hạn chế hơn. Chẳng hạn, chương trình Call Me By Fire tại Trung Quốc có một phim trường rộng lớn với nhiều khu vực quay đã được chuẩn bị sẵn.

Trong khi đó, đội ngũ sản xuất ở Việt Nam phải tìm cách tối ưu hóa không gian quay khiêm tốn hơn. Nhưng những giới hạn về tài nguyên không làm giảm đi chất lượng của chương trình, mà giúp đội ngũ thêm linh hoạt để vận hành những chương trình mang tiêu chuẩn "premium".

Nhờ vào khả năng tổ chức, tính toán và tận dụng mọi nguồn lực có sẵn, đội ngũ sản xuất Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra những sản phẩm hoành tráng và chất lượng.

alt
Dù chi phí sản xuất chỉ bằng một phần rất nhỏ so với các nhà sản xuất quốc tế, nhưng Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai vẫn mang đậm dấu ấn riêng và trở thành niềm tự hào của nền giải trí Việt | Nguồn: Facebook ATVNCG

Nghệ sĩ là nhân tố then chốt trong mọi quyết định

Khi truyền thông ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ, bà luôn giữ vững cam kết tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, tôn trọng nghệ sĩ, tránh việc khai thác những yếu tố gây tranh cãi chỉ để thu hút sự chú ý. Bà mong muốn xây dựng một chương trình giải trí nơi mỗi nghệ sĩ có thể tự do thể hiện mà không bị ép buộc vào các tình huống tiêu cực hay bị khai thác sai mục đích .

Chia sẻ về mùa đầu tiên của Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng, bà cho biết việc thuyết phục các nghệ sĩ tham gia chương trình là một thử thách khó nhằn, vì nhiều người lo ngại sẽ bị chương trình khai thác theo hướng tiêu cực.

Tuy nhiên, bà và đội ngũ sản xuất đã làm việc chặt chẽ với các nghệ sĩ để đảm bảo rằng mọi tình huống được xử lý khéo léo để không làm khó chịu hay gây tổn thương đến các chị.

Mỗi nghệ sĩ tham gia chương trình luôn được ban tổ chức lắng nghe và tôn trọng đối với mọi nguyện vọng. Những gì nghệ sĩ thể hiện trước ống kính vẫn được giữ nguyên vẹn. Chính điều này đã giúp chương trình không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn nhận được sự yêu mến của khán giả, bởi họ cảm nhận được giá trị chân thành và kết nối cảm xúc mà chương trình mang lại.