Sự từ chối đã luôn là một phần trong cuộc sống từ khi chúng ta bắt đầu có nhận thức. Bị bố mẹ từ chối mua đồ chơi, bị thầy cô từ chối ý tưởng cho lễ hội trường, bị nhà tuyển dụng từ chối khi xin việc, và kể cả những rung động đầu đời không được đáp lại.
Có thể thời gian và mức độ ảnh hưởng khác nhau, nhưng rồi mọi người cũng sẽ vượt qua được những lần bị từ chối ấy. Sau nỗi đau ban đầu, chúng ta sẽ rơi vào “giai đoạn thẩm định" để cân nhắc và tiến hành các bước tiếp theo.
May thay, trong giai đoạn này luôn có những lối suy nghĩ, nhận thức giúp bạn lành vết thương lòng nhanh hơn và có cái nhìn tích cực hơn về trải nghiệm của mình. Hãy ghi nhớ 5 ‘liều kháng sinh’ sau đây để sở hữu một sức khỏe tinh thần mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với lời từ chối.
1. Đừng chối bỏ cảm xúc của mình
Chúng ta thường kìm nén, phớt lờ hoặc phủ nhận nỗi đau bởi không biết cách đối mặt với nó như thế nào. Nhưng mặc cho trăm cách trốn tránh, chúng vẫn sẽ ở đó và chực chờ bùng nổ.
Theo nhà trị liệu tâm lý Emily Roberts, khi bạn học cách chấp nhận những cảm xúc không mong muốn (nhưng cần thiết) là một trải nghiệm cá nhân, não bộ sẽ ghi nhớ điều này. Để lần sau, khi bạn rơi vào cảm xúc tương tự, thuỳ trán sẽ lục lại ký ức và gợi ý cho bạn cách giải quyết phù hợp.
Để điều hoà ‘khẩn cấp' tâm trạng của mình có rất nhiều cách. Bạn có thể thiền, luyện tập hít thở, viết cảm xúc ra giấy, hoặc tìm lại một điều hạnh phúc từ “kho tàng niềm vui" của mình. Tuy nhiên đừng ép bản thân phải vui tươi lại ngay lập tức, nỗi đau cũng cần thời gian để đóng gói và chuyển dời.
2. Không để việc bị từ chối định nghĩa bạn
Thiên kiến tiêu cực sẽ bẫy bạn vào suy nghĩ quy về bản thân: bạn bị từ chối do không đủ đẹp, không hài hước, không giỏi giang, không phù hợp với tiêu chuẩn của người đó. Nhưng mỗi người là sản phẩm từ quá trình giáo dục và trải nghiệm riêng, nên cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động trong từng tình huống sẽ không giống nhau hoàn toàn.
Vì thế ý kiến của họ, hay kết quả của bất kì một sự việc độc lập nào cũng không định nghĩa được con người bạn. Cũng có thể là do người đó đã để ý ai khác, hoặc chưa muốn hẹn hò, chưa sẵn sàng cam kết,... Nhận thức được điều này là nền tảng để bạn đồng cảm, thấu cảm với họ, và tự trắc ẩn với chính mình.
Người đó từ chối bạn không đánh giá được bạn yếu kém thế nào, không kết luận được bạn sẽ luôn bị từ chối, hay bạn không thể yêu. Nó chỉ nói lên rằng bạn và người đó, vào thời điểm này, không dành cho nhau.
3. Đối diện tình huống bằng tư duy cầu tiến
Có thể nhanh chóng vượt qua sự từ chối hay không còn phụ thuộc vào mức độ tin vào “khả năng thay đổi" của bạn. Theo nghiên cứu, những người có “lối suy nghĩ cố định" (fixed mindset) sẽ cho rằng tính cách như ‘ván đã đóng thuyền', không thể thay đổi. Khi bị từ chối, họ có xu hướng chỉ trích bản thân và đổ lỗi cho tính cách của mình, đồng thời tự giảm đi hy vọng vào các mối quan hệ trong tương lai.
Ngược lại, những cá nhân có “tư duy cầu tiến" (growth mindset) xem những lần bị từ chối là cơ hội nhìn nhận, thay đổi và trưởng thành để cải thiện các mối quan hệ trong tương lai. Vì thế, họ thường phục hồi cảm xúc nhanh hơn.
Theo thuyết này, nếu có thể chấp nhận rằng cuộc sống này luôn linh hoạt, "dù không thể có tất cả những gì mình muốn nhưng tôi vẫn là người nắm giữ số mệnh của mình" (thể hiện trách nhiệm với bản thân), thì bạn sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, kể cả khi đối mặt với sự từ chối. Ít nhất, lần từ chối này là minh chứng rằng bạn đã dám bước ra khỏi giới hạn và sống hết mình.
4. Học cách trở nên độc lập hơn
Sự từ chối khó chữa lành hơn khi ta quá phụ thuộc cảm xúc vào đối phương. Bởi lẽ nó tạo ra những mong đợi không thực tế, khiến ta cảm thấy nhu cầu của mình không được đáp ứng và thường xuyên trải qua cảm giác bị chối bỏ. Đây là vấn đề mà những người thuộc kiểu gắn bó lo âu thường phải đối mặt.
Nghiên cứu của Arthur Aron và các cộng sự cho thấy trong một mối quan hệ thân mật, chúng ta sẽ dần hòa quyện bản thân với nửa kia. Chúng ta nghĩ về người đó như một phần của mình, nhầm lẫn đặc điểm của mình với đặc điểm của họ, ký ức của mình với ký ức của họ và danh tính của mình với danh tính của họ. Do đó việc mất đi họ có thể tạo cảm giác như đánh mất bản thân.
Không ai có thể khiến bạn hạnh phúc trừ bản thân bạn. Nếu như bạn không ổn với việc một mình, bạn cũng không cảm thấy ổn hơn khi ở cùng người khác. Bạn dễ đòi hỏi sự chú ý từ bên ngoài khi bạn không dành mối quan tâm cho những nhu cầu bên trong.
Giai đoạn này là lúc bạn nên tập trung chăm sóc cơ thể và tâm trí của mình. Thay vì quá tập trung vào nửa kia, hãy thử tìm lại những sở thích cá nhân, quen biết thêm những người cùng lĩnh vực hay mối quan tâm. Đây là yếu tố định hình nên giá trị sống của riêng bạn, là bước chuẩn bị quan trọng cho mối quan hệ nghiêm túc và lành mạnh trong tương lai.
5. Tìm đến những người luôn đón nhận bạn
Theo giáo sư Naomi Eisenberger từ Đại học California, người đứng đầu các nghiên cứu về mặt tâm lý học của sự từ chối, giao tiếp tích cực với người khác giúp não bộ tiết ra các chất xúc tác cho những phản ứng dễ chịu ở não. Nhờ đó, ta có thể cải thiện tâm trạng một cách đáng kể.
Bị từ chối trong mối quan hệ tình cảm cũng gây ra cảm nhận giống như bị chối bỏ khỏi một kết nối xã hội, vậy thì tìm đến những kết nối lành mạnh, vững chắc khác chính là phương pháp bù đắp hữu hiệu. Ở đó bạn tìm được sự chấp nhận, an toàn, được xoa dịu và cải thiện tâm trạng một cách hiệu quả.