4 Hiệu ứng tâm lý cản trở việc học và cách giải quyết | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 09, 2020

4 Hiệu ứng tâm lý cản trở việc học và cách giải quyết

Các nhà tâm lý học cho rằng 4 hiệu ứng tâm lý sau đây đều góp phần gây cản trở cho việc học tập của chúng ta. Ta có thể làm gì để giải quyết triệt để?
4 Hiệu ứng tâm lý cản trở việc học và cách giải quyết

Trang Phạm @tranglearntoart cho Vietcetera

Tại sao khi làm việc nhóm lại luôn có một thành viên phải “gánh team”? Tại sao học hoài không giỏi lên được? Và tại sao khi làm bài kiểm tra lại quên đi một số thông tin đã học? Nếu đây là những vấn đề bạn thường xuyên gặp, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và đưa ra lời giải đáp thông qua các hiệu ứng tâm lý dưới đây.

Dunning-Kruger effect

Hiệu ứng Dunning-Kruger là khi bạn tự đánh giá cao khả năng của bản thân hơn khả năng thật sự. Được công bố bởi hai nhà tâm lý học xã hội Dunning và Kruger vào năm 1999.

Hiệu ứng này được giải thích là do những người có khả năng thấp thường có những ảo tưởng về bản thân (illusory superiority) và nhận thức về bản thân thấp (self-awareness).

Ảo tưởng về khả năng của bản thacircn
Ảo tưởng về khả năng của bản thân

Các nghiên cứu còn cho rằng những người có khả năng thấp thường đánh giá rất cao khả năng của bản thân, cũng như thất bại trong việc tự phát hiện ra điểm mạnh và điểm yếu. Theo nhà tâm lý học Dunning, việc này có thể dẫn đến 2 vấn đề:

  • Thiếu hụt kỹ năng và chuyên môn dẫn đến chất lượng công việc kém khi hoạt động ở lĩnh vực mà mình không đủ năng lực.
  • Sự sai lệch kiến thức khiến chúng ta không thể nhận ra được lỗi sai của mình.

Nếu không tự tin vào những đánh giá của bản thân về khả năng của mình, bạn có thể thử 3 cách sau đây:

1. Tiếp tục nghiên cứu

Thay vì tự cho rằng mình đã nắm rõ kiến thức nào đó, hãy tiếp tục đào sâu hơn nữa. Một khi đào sâu vào vấn đề, bạn sẽ dễ nhận ra còn rất nhiều điều mà mình chưa biết.

2. Hỏi những người xung quanh

Thu thập những ý kiến mang tính xây dựng từ những người xung quanh để có cái nhìn khách quan hơn về khả năng của mình.

3. Rèn luyện tư duy phản biện

Kể cả khi tiếp tục học và tham khảo ý kiến những người xung quanh, bạn sẽ dễ có xu hướng tập trung vào những điều đồng thuận với những gì bạn đã biết do thiên kiến xác nhận. Để hạn chế điều này, hãy liên tục thử thách những suy nghĩ, niềm tin, và kỳ vọng của bản thân bằng cách tìm kiếm thông tin đi ngược lại với điều bạn đã biết.

Primacy and Recency effect

Khi được yêu cầu ghi nhớ một danh sách từ, những từ đầu tiên (Primacy effect) và những từ cuối cùng/gần nhất (Recency effect) của danh sách sẽ được ghi nhớ tốt hơn những từ ở giữa. Những từ nằm ở đầu danh sách được nhớ tốt hơn vì tần suất chúng ta lặp lại chúng sẽ nhiều hơn so với những từ khác. Những từ cuối cùng được nhớ tốt hơn vì vừa mới được cập nhật vào bộ nhớ nên sẽ được dễ dàng thuật lại ngay sau đó.

Hai hiệu ứng này dẫn đến vấn đề ghi nhớ không toàn diện. Một khi đã ghi nhớ và có ấn tượng với những thông tin đầu tiên và cuối cùng, chúng ta dễ dàng bỏ qua những thông tin ở giữa. Vì thế thông tin thu nạp vào có thể bị thiếu sót và không mang tính toàn diện

Bài học rút ra từ 2 hiệu ứng này chính là:

1. Đưa ra những kết luận nhỏ

Sau mỗi đoạn thông tin, viết một kết luận hoặc tóm tắt nhỏ trước khi bước qua một đoạn thông tin mới có thể giúp bạn ghi nhớ nhanh và tổng quát hơn

2. Kiểm tra giữa giờ học

Thay vì học hết một lượt trong một lần, thì hãy học một nửa những gì cần học rồi tự kiểm tra xem mình đã nhớ hết chưa trước khi tiếp tục nửa còn lại. Bạn có thể tham khảo phương pháp Pomodoro để tăng hiệu suất của việc học.

Confirmation bias

Confirmation bias (thiên kiến xác nhận) là khi bạn có xu hướng chỉ tìm kiếm, nghiên cứu, ghi nhớ những thông tin có thể củng cố cho niềm tin vốn có của mình. Đây là một hiệu ứng quan trọng trong tâm lý học nhận thức. Sự xác nhận thiên vị này thường là kết quả của những hành vi vô thức và không có chủ đích.

Tigravem kiếm những thocircng tin ủng hộ quan điểm của migravenh
Tìm kiếm những thông tin ủng hộ quan điểm của mình

Ví dụ, khi bạn thực hiện một nghiên cứu khoa học, cùng với một giả thuyết được đặt ra, bạn dễ có xu hướng tìm kiếm và phân tích những thông tin ủng hộ giả thuyết đó. Kết quả, bài nghiên cứu có thể không phản ánh được sự thật khách quan.

Tất cả chúng ta đều có thiên kiến xác nhận. Kể cả khi bạn là người có tư tưởng cởi mở và luôn quan sát kĩ trước khi đưa ra một kết luận, thì những kết luận của bạn vẫn có khả năng thiên vị. Đây là một điều hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, tư duy phản biện là một trong những giải pháp tối ưu nhất. 4 bước đơn giản để luyện tập tư duy phản biện:

  1. Đặt câu hỏi.
  2. Tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn.
  3. Phân tích với một tư duy mở.
  4. Thảo luận với nhiều người khác nhau về cùng một vấn đề để thấy được góc nhìn của họ.

Ringelmann effect

Hiệu ứng Ringelmann, được nghiên cứu bởi kỹ sư nông nghiệp người Pháp Maximilien Ringelmann, mô tả vấn đề năng suất thường gặp phải khi làm việc nhóm – số lượng người tăng lên sẽ tỉ lệ nghịch với hiệu suất công việc. Lý do đến từ nhiều yếu tố cá nhân khác nhau, được chia thành 2 nguyên nhân chính, đó là sự mất động lực và các vấn đề liên quan đến sự phối hợp.

Ví dụ, khi làm việc nhóm, một số thành viên sẽ phải ‘gánh team’ vì có những thành viên không chịu bỏ sức vào làm như khi làm bài một mình.

Những thagravenh viecircn cưỡi ngựa xem hoa trong nhoacutem cưỡi ngựa xem hoa
Những thành viên "cưỡi ngựa xem hoa" trong nhóm

Một số cách để giải quyết vấn đề làm việc nhóm:

1. Giảm số lượng thành viên

Giảm số lượng thành viên phù hợp với mức độ của công việc. Số lượng vừa đủ giúp công việc được chia đều, các thành viên cảm thấy được tầm quan trọng của bản thân và tiến độ làm việc cũng dễ được kiểm soát hơn.

2. Nhấn mạnh sự quan trọng của mỗi cá nhân

Khi làm việc trong một tập thể lớn, từng cá nhân có thể cảm thấy lạc lõng hoặc không có tiếng nói. Từ đó, họ không có động lực để làm việc. Vì thế, trưởng nhóm nên đề cao giá trị của từng thành viên để họ cảm thấy được kết nối tốt hơn với các thành viên trong nhóm cũng như mục tiêu chung.

3. Đưa ra mục tiêu chung và riêng

Mục tiêu chung của cả nhóm phải được đặt ra rõ ràng. Đây sẽ là kim chỉ nam khi có bất kì thành viên nào cảm thấy không biết phải làm gì. Ngoài ra, những mục tiêu riêng cho từng cá nhân cũng nên được khuyến khích. Trưởng nhóm có thể yêu cầu từng thành viên đặt ra mục tiêu và chia sẻ với nhóm. Việc này sẽ tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ cho từng cá nhân và kết nối mọi người trong nhóm.